Home » TÒA THÁNH
“ÔI THIÊN CHÚA… SAO NGÀI NỠ BỎ CON?” (ĐTC Phanxicô, giảng Lễ Lá 02/04/2023:)
Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023
“Ôi Thiên Chúa, ôi Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Đây là tiếng kêu mà phụng vụ hôm nay yêu cầu chúng ta lặp lại trong thánh vịnh đáp ca (x. Tv 22,2), tiếng kêu duy nhất của Chúa Giêsu trên thập giá trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Những lời này đưa chúng ta đến tâm điểm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, tột đỉnh của những đau khổ Người đã chịu để cứu độ chúng ta. “Sao Ngài nỡ bỏ con?”.
Những đau khổ của Chúa Giêsu rất nhiều, và bất cứ khi nào chúng ta lắng nghe trình thuật về Cuộc Khổ nạn, chúng đâm thấu tâm hồn chúng ta. Có những đau khổ về thể xác: chúng ta hãy nghĩ đến những cái tát và những trò đánh đập, đánh đòn và đội mão gai, và cuối cùng là sự tàn ác của việc đóng đinh. Cũng có những đau khổ của linh hồn: sự phản bội của Giuđa, sự chối bỏ của Phêrô, sự lên án của chính quyền tôn giáo và dân sự, sự nhạo báng của lính canh, sự nhạo báng dưới chân thập giá, sự từ chối của đám đông, sự thất bại hoàn toàn và cuộc trốn chạy của các môn đệ. Tuy nhiên, giữa tất cả những nỗi buồn này, Chúa Giêsu vẫn chắc chắn một điều: đó là sự gần gũi của Chúa Cha. Tuy nhiên, giờ đây, điều không tưởng tượng nổi đã xảy ra. Trước khi chết, Ngài kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”
Đây là nỗi khổ đau nhức nhối nhất trong mọi nỗi khổ, nỗi khổ của tinh thần. Vào giờ bi thảm nhất của mình, Chúa Giêsu cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi. Trước thời điểm đó, Ngài chưa bao giờ gọi Cha bằng tên chung là “Chúa”. Để truyền đạt tác động của điều này, Tin Mừng cũng thuật lại những lời của Người bằng tiếng Aramaic “Êli, Êli, lêma xabácthani”. Đây là những lời duy nhất của Chúa Giêsu từ thập giá đã đến với chúng ta trong ngôn ngữ gốc. Sự kiện thực sự là sự suy sụp cùng cực, bị Cha bỏ rơi, bị Chúa bỏ rơi. Chúng ta thậm chí còn khó hiểu được nỗi đau khổ to lớn mà Ngài đã gánh chịu vì tình yêu dành cho chúng ta. Ngài thấy cánh cổng thiên đường đóng lại, Ngài thấy mình ở bờ vực cay đắng, giữa con tàu đắm của cuộc đời, sự sụp đổ của xác tín. Và Ngài kêu lên: “Tại sao?” Một câu “tại sao” bao hàm mọi câu “tại sao” khác từng được nói ra. “Lạy Chúa, tại sao?”.
“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Trong Kinh thánh, từ “bỏ rơi” có sức mạnh lớn. Chúng ta nghe thấy nó vào những lúc đau đớn tột cùng: tình yêu không thành, hoặc bị từ chối hoặc bị phản bội; trẻ em bị từ chối và phá thai; hoàn cảnh bị hắt hủi, cảnh goá bụa và trẻ mồ côi; hôn nhân tan vỡ, các hình thức loại trừ xã hội, bất công và áp bức; sự cô độc của bệnh tật. Tóm lại, trong tình cảnh bị cắt đứt mạnh mẽ các mối dây liên kết chúng ta với người khác. Ở đó, từ này được nói lên: “bỏ rơi”. Chúa Kitô đã mang tất cả những điều này lên thập tự giá; trên đôi vai của mình, Ngài mang tội lỗi của thế giới. Và vào giây phút tột cùng, Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu của Chúa Cha, đã trải qua một hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ với chính bản thể của Người: bị bỏ rơi, xa cách Thiên Chúa.
Tại sao phải ra đến nông nỗi này? Thưa: Ngài đã làm điều đó cho chúng ta. Không có câu trả lời nào khác. Cho chúng ta. Thưa anh chị em, ngày nay đây không chỉ là một buổi trình diễn. Mỗi người chúng ta khi nghe tin Chúa Giêsu bị bỏ rơi đều có thể nói: cho tôi. Sự ruồng bỏ này là cái giá mà Ngài phải trả cho tôi. Ngài trở nên một với mỗi người chúng ta để nên một với chúng ta một cách trọn vẹn và dứt khoát cho đến cùng. Ngài đã trải qua sự bỏ rơi để không bỏ mặc chúng ta trong tuyệt vọng, để ở bên chúng ta mãi mãi. Ngài đã làm điều này cho tôi, cho anh chị em, bởi vì bất cứ khi nào anh chị em hoặc tôi hoặc bất kỳ ai khác dường như bị dồn vào chân tường, bị lạc trong đường cùng, rơi xuống vực thẳm của sự bỏ rơi, bị cuốn vào một cơn lốc của rất nhiều câu hỏi “tại sao” mà không có câu trả lời, ở đó vẫn có thể có một niềm hy vọng: đó là chính Chúa Giêsu, cho anh chị em, cho tôi.
Đó không phải là kết thúc, bởi vì Chúa Giêsu đã ở đó và ngay cả bây giờ, Ngài đang ở bên cạnh anh chị em. Ngài đã chịu đựng khoảng cách bị bỏ rơi để đón vào trong tình yêu của Ngài mọi khoảng cách mà chúng ta có thể cảm nhận được. Để mỗi người chúng ta có thể nói rằng: trong những thất bại của tôi, và mỗi chúng ta đã nhiều lần thất bại, trong sự cô đơn của tôi, bất cứ khi nào tôi cảm thấy bị gạt ra ngoài lề hoặc gạt người khác sang một bên, bất cứ khi nào tôi cảm thấy bị phản bội hoặc bị người khác phản bội, bất cứ khi nào tôi cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị người khác bỏ rơi, chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu, Đấng đã bị bỏ rơi, bị phản bội và bị loại bỏ. Ở đó, chúng ta tìm thấy Ngài. Khi tôi cảm thấy lạc lõng và bối rối, khi tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục, Ngài đã ở bên cạnh tôi. Giữa tất cả những câu hỏi chưa được trả lời của tôi “tại sao…?”, Ngài đang ở đó…”

“ÔI THIÊN CHÚA… SAO NGÀI NỠ BỎ CON?” (ĐTC Phanxicô, giảng Lễ Lá 02/04/2023:)
Bạn đang xem “ÔI THIÊN CHÚA… SAO NGÀI NỠ BỎ CON?” (ĐTC Phanxicô, giảng Lễ Lá 02/04/2023:) tại Tông đồ giáo dân

Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét