Home » SỐNG ĐẠO
NGÀY CHÚA NHẬT (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy)
Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023
Có thể coi lời huấn đức Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II soạn trước cho Chúa Nhật II Phục Sinh-Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, được Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sandri, nguyên phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đọc vào cuối Thánh Lễ Cầu Hồn cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tổ chức tại tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô ngày Chúa Nhật 3/4/2005, cũng trùng vào giờ trưa, thời điểm Đức Thánh Cha thường ban huấn đức cho những người hành hương trước khi đọc kinh Truyền Tin, là những lời căn dặn cuối cùng của vị Cha Chung kính yêu của chúng ta cho mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu : “Hôm nay đây lại vang lên lời hoan ca Alleluia của Lễ Phục Sinh. Bài Phúc Âm theo Thánh Gioan hôm nay nhấn mạnh rằng, vào chiều hôm đó, Chúa Phục Sinh đã hiện ra cho các Thánh Tông Đồ và “cho họ thấy bàn tay và cạnh sườn Ngài” (Ga 20,20), nghĩa là những dấu vết của một cuộc Thương Khó đau thương đã in dấu không phai mờ trên thân xác ngài ngay cả sau sự Phục Sinh của Ngài. Những vết thương rực rỡ mà tám ngày sau đó Ngài đã bảo Tôma cứng lòng hãy chạm vào, tỏ lộ lòng thương xót của Chúa là Đấng “quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài.” (Ga 3,16). Mầu nhiệm tình yêu này là trung tâm của phụng vụ hôm nay… Lạy Chúa, Đấng đã dùng cái chết và sự Phục Sinh của Ngài để mạc khải tình yêu Chúa Cha, chúng con tin kính Chúa và với lòng cậy trông chúng con lặp lại ngày hôm nay: Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.”
Vị Giáo Hoàng được các sử gia cho là “Tông đồ không biết mệt mỏi”, giới truyền thông gọi là “Lực Sĩ của Chúa”, trong sự quan phòng của Chúa, qua đời đúng ngày Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa (03/04/2005) theo giờ Viêt Nam, làm cho các tín hữu con cháu 117 vị thánh tử đạo chúng ta phải nhìn lại ý nghĩa Ngày Chúa Nhật.
Đây cũng là việc thực hiện ước mong của Vị Cha Chung nhắn gởi từ Tông Thư cuối cùng trong Năm Thánh Thể : “Nếu thành quả đạt được giúp các cộng đoàn cử hành thánh lễ các ngày Chúa Nhật cách sốt sắng… thì quả là Năm Thánh Thể đã thành công mỹ mãn và là hồng ân lớn lao”. (Mane Nobiscum Domine-số 29). Tại sao ngày Chúa Nhật cần được lưu tâm đến thế ?
Bởi đây là Ngày của Đức Chúa, ngày của Đức Kitô Phục Sinh, ngày của cuộc sáng tạo mới, ngày khai sinh kỷ nguyên mới, ngày của niềm hy vọng vĩnh cửu. Sự bận tâm đến việc thánh hóa ngày trọng đại này là lý do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ra một tông thư ngày 31/05/1998, năm thứ 20 triều giáo hoàng của ngài, nhằm giúp mọi tín hữu sống ngày Chúa Nhật, tông thư Dies Domini-Ngày của Chúa.
Tầm quan trọng đặc biệt của ngày này đã làm cho các tín hữu sơ khai, những người Dothái giữ ngày Sabat, ngày thứ bảy, ngày hưu lễ Dothái, chuyển dần đến việc giữ ngày Chúa Nhật. Nền tảng Kinh Thánh của ngày này là ngày mà Đức Giêsu Nazareth, Vua Dothái, người mà Philatô lệnh đóng đinh theo yêu cầu của Thượng Hội Đồng Tối Cao Dothái, đã phục sinh. Những lần hiện ra điều được Chúa chọn vào ngày này : “Sau ngày Sabat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Madalêna và một bà khác cùng tên là Maria đi viếng mộ… và kìa Chúa Giêsu đón gặp các bà và nói : Chào chị em !… Chị em đừng sợ, về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. (Mt 28, 1-10)
“Sau khi sống lại vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với Maria Mađalêna...” (Mc 16, 9)
“Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ… Đang lúc các bà sợ hãi cuối gầm mặt xuống đất, thì hai người kia nói : sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi.” (Lc 24, 1-6)
“Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vị các ông sợ người Dothái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói : Bình an cho anh em !”. (Ga 20, 19) “Tám ngày sau” (Ga 20, 26) Chúa hiện ra có để cho Tôma kiểm chứng Chúa đã phục sinh cũng đúng ngày Chúa Nhật.
Do đó, cho dù ở Việt Nam lịch xã hội dùng từ Chủ Nhật, thì cũng mang ý nghĩa là Chúa Nhật thôi ; và các em thiếu nhi có hát “Thứ Hai là ngày đầu tuần…” thì nó vẫn là… thứ hai. Ngày thứ nhất trong tuần vẫn là Chúa Nhật, và chúng ta phải trả cho ngày này vai trò “thứ nhất”, vai trò “số một” của nó.
Chính các Tông đồ và những tín hữu đầu tiên đã dành cho ngày này một vị trí đặc biệt trong đời sống của mình. “Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh.” (Cv 20, 7). Đó chính là những buổi cử hành thánh lễ theo lời trối của Chúa Giêsu, ngay khi lập Bí Tích Thánh Thể “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. (1Cr 11, 24)…
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Bình An, 06/04/2005 (5 năm sau ngày ngài lập lễ Lòng Thương Xót 30/04/2000)
Rạng 15/04/2023
![NGÀY CHÚA NHẬT (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy) NGÀY CHÚA NHẬT (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy)](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgVFjbwMErFvgwnLUoewlMgStD2K5ikwKnShxusVEH83CqLiu95IifE65LTV7yx8I521Cug_x4W_dCVP232-kofgiylPoJl-CN34X-iF2OMkPB9qvc4BivLP2qix78CrfUusvuxJdu6fOpuYTrcIPf-0dHMDDmXq5Ig94dp9PM9fFItVXoa8Oyi6q_q/s72-c/RANG25.jpg)
NGÀY CHÚA NHẬT (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy)
Bạn đang xem NGÀY CHÚA NHẬT (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy) tại Tông đồ giáo dân
![](https://lh3.googleusercontent.com/-Lg4Z--oHs5c/V3MeJRneLjI/AAAAAAAAB2M/sYb18F3tqssA6B1hZd-jpPpuCFRTSc_rQCKgB/s1600/BaiVietKhac_2.jpg)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét